Khi đó, trẻ sẽ có đủ đam mê để tạo nên thành công cho tương lai của mình.
Đi tìm ước mơ
“Hen quan tâm và mong muốn những trẻ em dân tộc thiểu số sẽ luôn noi theo và có ước mơ để thay đổi đời sống của mình bằng giáo dục”, H’Hen Niê đã chia sẻ như vậy tại tọa đàm “Giáo dục thu hẹp khoảng cách” vừa diễn ra trong khuôn khổ chương trình Lễ hội âm nhạc BridgeFest 2019. Hoa hậu H’Hen Niê đã truyền cảm hứng tới giới trẻ bằng câu chuyện giáo dục của chính mình.
Không chỉ riêng gia đình Hen, mà đối với đại đa số các gia đình dân tộc thiểu số, việc học không quan trọng. Theo lời Hen chia sẻ, ở buôn làng Sứt M’đưng, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, Đắk Lắk - nơi H’Hen Niê sinh ra và lớn lên tồn tại nếp nghĩ: Việc học là tốn kém, học đến 14 tuổi là quá đủ rồi. Điều họ coi trọng là con cái lớn lên, sinh con đẻ cái rồi tiếp nối nhau làm nương rẫy, hỗ trợ gia đình. Chưa kể khoảng cách từ nhà tới trường hơn 12 cây số, phương tiện đi lại không có cũng là một nguyên nhân khiến trẻ em nghỉ học. Chính vì thế, ở buôn làng của Hen, dù “nhiều anh chị học rất tốt nhưng đại đa số vẫn nghỉ học. Thời điểm Hen đi học, cả buôn làng chỉ có 3 người học hết cấp 3 và 2 người học lên đến đại học”.
Trong hoàn cảnh như vậy, H’Hen Niê vẫn quyết tâm đạp xe đi học mỗi ngày. Sáng Hen đi học, chiều về phụ giúp gia đình làm rẫy. Giữa định kiến của buôn làng về việc học, rồi sự thúc giục lấy chồng của cha mẹ, thay vì tảo hôn, Hen vẫn bám đuổi con chữ bởi với cô, “đi học là vui và cho mình rất nhiều điều thú vị, đồng thời có cơ hội để thi đua với các bạn cùng lớp”. Cách rèn luyện ngôn ngữ của Hen cũng đặc biệt. “Có thời điểm Hen kết bạn với một số bạn là người Kinh, nhưng vì nói tiếng Việt không tốt nên không dám nói chuyện. Vì thế, Hen chọn cách viết thư để nói chuyện với các bạn, đồng thời là cách để Hen rèn luyện ngôn ngữ tiếng Việt”, Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ.
H’Hen Niê từng mơ ước được làm nhân viên ngân hàng, không phải sống cuộc sống làm rẫy ở buôn làng. Đó là một ước mơ rất khác biệt với những người ở buôn làng và gia đình Hen. Cô kể: “Khoảng năm học lớp 10, 11, Hen cùng cha đến ngân hàng để trả nợ. Thấy các chị trong ngân hàng mặc đồng phục rất đẹp, làm việc bằng cách ngồi gõ máy tính, em thích lắm bởi nó hoàn toàn khác với cuộc sống làm nương rẫy bán mặt cho đất, bán lưng cho trời ở buôn làng. Ước mơ trở thành nhân viên ngân hàng càng trở nên mãnh liệt hơn khi Hen gặp các anh chị sinh viên tình nguyện Khoa Ngân hàng, trường Đại học Kinh tế ở Sài Gòn đến buôn làng của Hen. Vì thế, lựa chọn đầu tiên của Hen khi quyết định vào Sài Gòn học là đăng ký thi vào một trường ngân hàng”.
Trên những bước chập chững đầu tiên thực hiện ước mơ ấy, Hen được mẹ hỗ trợ cả về tinh thần và vật chất. Chính mẹ là người đã “đẩy” Hen ra khỏi cánh cửa nhà sàn nằm heo hút trong buôn làng Tây Nguyên. Hen chia sẻ: “Dù mẹ luôn giục Hen kết hôn, nhưng khi Hen quyết định vào Sài Gòn học thì mẹ đã hỗ trợ, vay tiền cho để đi thi đại học. Trong chặng đường Hen đi luôn có sự hiện hữu của mẹ”.
“Giáo dục mở ra niềm đam mê và cơ hội mới cho tôi”
Hoa hậu H’Hen Niê đã chia sẻ như vậy. Cô bảo: “Giáo dục cho mình nhiều cơ hội để theo đuổi ước mơ, đam mê; đồng thời giúp mình hiểu bản thân hơn, tốt lên, tự tin hơn. Nhờ giáo dục, Hen được làm những điều bản thân yêu thích. Khi đó, Hen có thể làm từ 6h sáng đến 10h đêm mà không hề mỏi mệt”.
Hiện H’Hen Niê đang là sinh viên trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, chuyên ngành Tài chính ngân hàng. Giáo dục đã mở ra những cơ hội với Hen, giúp cô tìm được niềm đam mê thực sự của mình. Hen đã nỗ lực để vào trường ngân hàng, nhưng khi hiểu được niềm đam mê, sở trường của mình là làm người mẫu thì cô sẵn sàng nỗ lực để đạt mục tiêu mới. Và câu nói của H’Hen Niê tại Miss Universe 2018: “From nothing, here I am. I can do it so you can do it too!” (Từ không có gì, tôi đang ở đây. Tôi có thể làm được, vậy bạn cũng có thể làm được!) đã truyền cảm hứng tới cả thế giới bởi nó thể hiện chính hành trình mở cửa thế giới bằng giáo dục của cô.
“Lựa chọn theo đam mê của mình, suy nghĩ lạc quan, đặt ra mục tiêu chính và cố gắng hết mình, va đập ngoài xã hội nhiều hơn thì sẽ chạm tới thành công”.
Hoa hậu H’Hen Niê
|
Nhắc tới câu chuyện bình đẳng giáo dục và thu hẹp khoảng cách trong giáo dục, Hoa hậu H’Hen Niê cho rằng: Nhà trường, cha mẹ cần ưu tiên yếu tố hạnh phúc thay vì áp đặt con cái. Cha mẹ hạnh phúc khi thấy con đỗ đạt vào trường danh giá nhưng chưa chắc đó đã là hạnh phúc của con trẻ. Chỉ khi hạnh phúc, ta mới có năng lượng để đạt được mục tiêu. Và xét cho cùng, bến bờ cuối cùng mà con người tìm đến là hạnh phúc.
Khi tham gia hoạt động cộng đồng, Hen bày tỏ mong muốn những người được hỗ trợ sẽ thay đổi tư duy để họ của ngày mai tốt hơn ngày hôm nay. “Thời gian tới, Hen cũng phải học rất nhiều những kiến thức về xã hội, ngoại ngữ. Và Hen luôn tự nhủ mình phải sống thật tích cực để có thể là người truyền cảm hứng cho giới trẻ và phụ nữ, xóa nhòa đi mọi khoảng cách, nhất là trong giáo dục”, Hoa hậu H’Hen Niê chia sẻ.